Đại sứ Việt Nam tại Arab Saudi kêu gọi doanh nghiệp Việt tiến vào thị trường Halal 7.000 tỷ USD

Việt Nam nên chủ động nắm bắt cơ hội và ưu tiên đầu tư cho ngành Halal để khai thác tốt tiềm năng của thị trường ở các nước Hồi giáo, theo các đại sứ. “Quy mô thị trường Halal toàn cầu hiện rất lớn với 7.000 tỷ USD và ước tính đạt con số 10.000 tỷ USD trong những năm tới”, Đại sứ Việt Nam tại Arab Saudi Đặng Xuân Dũng cho biết tại tọa đàm phát triển ngành Halal ở trụ sở Bộ Ngoại giao chiều 15/12. Ông đánh giá Arab Saudi nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung là thị trường Halal tiềm năng mà Việt Nam có thể khai thác.

Halal trong tiếng Arab có nghĩa là hợp pháp hoặc được phép. Ngành Halal là ngành tập trung vào sản xuất và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo. Người Hồi giáo vốn phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt, nên các sản phẩm dành cho họ cũng cần đáp ứng những tiêu chuẩn Halal ngặt nghèo.

Arab Saudi xếp thứ 15 thế giới về số dân Hồi giáo, với hơn 31 triệu người. Đây là một trong ba nền kinh tế Halal lớn nhất thế giới và là quốc gia nhập khẩu sản phẩm Halal lớn nhất trong các nước Hồi giáo.

“Tuy nhiên, tôi thấy chúng ta chưa chủ động, chưa thực sự tập trung nhìn vào thị trường này với con mắt đặc thù của nó”, Đại sứ Dũng nói, thêm rằng Việt Nam chưa có những chính sách đặc thù để khai thác tiềm năng từ thị trường Halal tỷ USD này.

Hồi tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, nhằm góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giúp sản phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường Halal toàn cầu. Đại sứ Việt Nam tại Arab Saudi đánh giá đề án đã tạo ra “hướng đi tích cực” để Việt Nam tiến vào thị trường Halal, nhưng cho rằng cần có những chính sách triển khai cụ thể hơn, như sớm đẩy nhanh xây dựng trung tâm cấp chứng chỉ Halal quốc gia.

Để khai thác thị trường tiềm năng này, Đại sứ Dũng cho rằng doanh nghiệp cần phải xem xét lại ưu tiên về ngân sách cho ngành Halal, tham gia hội chợ để quảng bá sản phẩm và nghiên cứu kỹ quy chuẩn của khu vực để đáp ứng yêu cầu về sản phẩm.

Các sản phẩm thực phẩm Halal chủ yếu bao gồm thịt, gia cầm, hải sản chế biến, trái cây, rau củ chế biến, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, dầu, chất béo và bánh kẹo.

Thực phẩm Halal nghiêm cấm các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn, mỡ lợn hay các loài động vật ăn thịt. Các loài động vật ăn cỏ có thể được coi là thực phẩm Halal nếu được chăn nuôi và giết mổ theo đúng quy định của người Hồi giáo. Theo đó, động vật phải được cho ăn ở chế độ tự nhiên, không chứa các sản phẩm làm từ động vật khác.

Động vật phải còn sống trước khi mổ, những con vật chết hoặc bất tỉnh trước đó không được chấp nhận là thịt Halal. Dụng cụ giết mổ phải sắc bén để đảm bảo tính nhân đạo, con vật phải được rút hết máu ra khỏi thân thịt.

Đại sứ cũng khuyến nghị kêu gọi đầu tư từ các nước Trung Đông vào dây chuyền sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Halal của Việt Nam, thêm rằng các đối tác trong khu vực có thể sẵn sàng giúp đỡ về vấn đề này.

Ở khu vực Đông Nam Á, các nước láng giềng có đông người Hồi giáo sinh sống như Malaysia, Indonesia và Brunei là những thị trường Halal tiềm năng và đối tác quan trọng cho Việt Nam, theo Đại sứ Việt Nam tại Brunei Trần Anh Vũ.

“Theo ước tính, tới năm 2060, dân số Hồi giáo toàn cầu sẽ tăng 60%, trong khi tốc độ tăng dân số toàn cầu chỉ là 32%”, Đại sứ Vũ nói.

Hồi tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm Brunei và thúc đẩy hợp tác với quốc gia Đông Nam Á trên ba lĩnh vực, trong đó có ngành Halal.

Cuối tháng 9, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức Hội thảo phát triển ngành Halal tại tứ giác tăng trưởng Brunei – Indonesia – Malaysia – Philippines.

Trước những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực Halal với Brunei, ông Vũ khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam ngoài kêu gọi đầu tư cần chủ động đưa ra những đề án cụ thể và nghĩ tới mô hình hợp tác sáng tạo, như chia sẻ kinh nghiệm về ngành Halal.

Đại diện doanh nghiệp Việt tham dự tọa đàm, bà Hoàng Bích Diệp, phó giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông và Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam cần xây dựng chiến lược truyền thông cho ngành Halal, tổ chức các triển lãm, hội chợ quảng bá sản phẩm Halal để tạo dựng thương hiệu. Tuy nhiên, bà Diệp nói Việt Nam nên lựa chọn một số sản phẩm đặc trưng cho ngành Halal trong nước, thay vì phát triển tràn lan. Ông Hoàng Trọng Định, giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Công nghệ NHONHO, một trong hai công ty cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm Halal Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường truyền thông, giúp doanh nghiệp hiểu rõ về tiêu chuẩn Halal để có thể có cách tiếp cận phù hợp và đáp ứng yêu cầu của thị trường Halal toàn cầu.

Thanh Tâm

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*